1. Viêm giác mạc là gì?
Giác mạc có tên tiếng anh là Cornea, hay còn được gọi là lòng đen của mắt. Đây là một lớp màng trong suốt rất dai, hình chỏm cầu, chiếm khoảng 1/5 phía trước của vỏ nhãn cầu. Đường kính rơi vào khoảng 11mm, bán kính độ cong là 7,7mm. Ở vùng trung tâm, chiều dày giác mạc trung bình khoảng 520µm, mỏng hơn vùng rìa trung bình khoảng 700µm.
Giác mạc có chức năng ngăn chặn lại các tác nhân như bụi, vi trùng,… xâm nhập vào nhãn cầu. Đồng thời kiểm soát và giúp hội tụ ánh sáng đi vào mắt.
Vì là bộ phận rất mỏng và trong suốt, cũng là bộ phận đầu tiên tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài cho nên giác mạc rất dễ bị tổn thương. Chính bởi điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn xâm nhập tấn công và làm giác mạc bị Viêm gây nên bệnh viêm giác mạc.
2. Phân loại viêm giác mạc
Viêm giác mạc nông: Khám bằng mắt thường thấy có biểu hiện cương tụ rìa nhẹ. Có thể thấy giác mạc hơi mờ hoặc không thấy tổn thương. Khám giác mạc bằng kính hiển vi (nhuộm fluorescein), có thể thấy các tổn thương trên giác mạc.
Viêm giác mạc sâu: Vi khuẩn lao trực tiếp gây bệnh ở giác mạc nguyên thủy rất hiếm gặp. Thường gặp là tổn thương lao thứ phát: Vi khuẩn lao từ một ổ lao nguyên phát trên cơ thể đến gây bệnh ở giác mạc.
Do bệnh giang mai: Thường viêm giác mạc do giang mai bẩm sinh, bệnh gặp nhiều ở người từ 7 đến 20 tuổi. Bệnh giang mai bẩm sinh thường biểu hiện ở cả hai mắt. Có thể cả hai mắt cùng xuất hiện bệnh (80%) hoặc một mắt bị bệnh trước rồi đến mắt thứ hai. Bệnh tiến triển qua ba giai đoạn: Giai đoạn thâm nhiễm, giai đoạn tân mạch và thoái triển.
3. Nguyên nhân gây viêm giác mạc
Nguyên nhân viêm giác mạc hoặc viêm loét giác mạc có thể bao gồm:
- Nhiễm vi khuẩn: nguyên nhân này ít gặp, thường gặp hai loại vi khuẩn là Pseudomonas aeruginosa và Staphylococcus aureus
- Nhiễm virus là dạng bệnh phổ biến nhất và các loại virus nằm trong danh sách này bao gồm: Adenovirus, Herpes simplex type 1, Varicella zoster.
- Nhiễm nấm ( do dị vật thực vật trong mắt)
- Nhiễm kí sinh trùng: Thường do Acanthamoeba – một loại amip sống chủ yếu trong nước (bể bơi, sông, hồ…) và có thể xâm nhập vào mắt khi bơi.
- Vệ sinh và hoặc bảo quản kính tiếp xúc không đúng cách, đeo kính quá lâu: thói quen đeo kính áp tròng lâu hoặc không vệ sinh kính áp tròng, kính gọng vô tình gây ra những tổn thương lên giác mạc, là nguyên nhân gây viêm giác mạc.
- Bệnh lý: một số bệnh như viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren, lupus ban đỏ hệ thống… sản sinh ra các tự kháng thể tấn công vào giác mạc gây viêm. Tổn thương thần kinh như liệt dây thần kinh số VII làm mắt nhắm không kín.
- Chấn thương( trầy xước): phẫu thuật giác mạc, tai nạn, ô nhiễm môi trường do khói, bụi hoặc bất kỳ một chấn thương vật lý nào nào khác gây tổn thương giác mạc đều có thể dẫn đến viêm giác mạc.
- Ngoài ra, khi mắt bị khô hay thiếu hụt vitamin A hoặc kể cả khi mắt tiếp xúc với ánh sáng gay gắt kéo dài cũng có thể gây viêm giác mạc.
4. Triệu chứng của viêm giác mạc
Tùy thuộc vào nguyên nhân, độ tuổi và mức độ nghiêm trọng của bệnh, triệu chứng viêm giác mạc ở trẻ sẽ khác nhau, thường gặp như:
- Đỏ mắt.
- Đau nhức mắt
- Khó chịu, sợ khi tiếp xúc với ánh sáng.
- Chảy nước mắt hoặc có dịch tiết ra từ mắt.
- Mờ mắt.
- Cảm giác cộm mắt, như có dị vật trong mắt.
- Sốt cao, sưng hạch trước tai.
- Tổn thương dạng bọng nước ở da mi mắt và quanh mí mắt.
- Viêm giác mạc do nấm thường tiến triển chậm rãi và đau âm ỉ hơn.
5. Viêm giác mạc có thể chữa khỏi không?
Viêm giác mạc nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ được chữa khỏi. Tuy nhiên, nếu điều trị không đúng cách, viêm giác mạc gây ra nhiều biến chứng như loét giác mạc, sẹo giác mạc, suy giảm thị lực, thậm chí mù lòa.
Viêm giác mạc điều trị bao lâu sẽ khỏi? Trường hợp người bị viêm giác mạc nhẹ, nếu phát hiện và điều trị sớm sẽ khỏi trong khoảng 5 - 7 ngày. Ngoài ra, tùy theo nguyên nhân và mức độ mà người bệnh có thể phải điều trị lâu hơn.
6. Điều trị viêm giác mạc
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm giác mạc mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp. Trường hợp viêm giác mạc nhẹ, người bệnh có thể chỉ cần tra thuốc kháng sinh. Trong trường hợp viêm giác mạc nặng không đáp ứng với thuốc hoặc giác mạc bị tổn thương nặng không thể hồi phục như sẹo giác mạc làm giảm thị lực nghiêm trọng, phẫu thuật ghép giác mạc sẽ được chỉ định để thay thế giác mạc tổn thương bằng giác mạc khỏe mạnh của người hiến tặng.
Khi có triệu chứng của viêm giác mạc, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán chính xác nguyên nhân, từ đó bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp. Tuyệt đối không tự suy đoán nguyên nhân để mua thuốc điều trị, có thể khiến bệnh chuyển biến nặng, gây nguy hiểm cho đôi mắt.