1. Lác mắt trong là gì?
Lác trong hay còn gọi là lé trong, là tình trạng mà mắt bị lệch về phía mũi. Lác trong có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt, dễ dàng quan sát thấy lòng đen nằm gần phía mũi. Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, phổ biến ở trẻ em.
2. Làm thế nào để cha mẹ phát hiện trẻ bị lác trong?
Bố mẹ có thể biết con bị lác trong thông qua một số biểu hiện ở trẻ hoặc quan sát cách nhìn của con. Cụ thể:
- Khi thấy trẻ hai mắt không nhìn về một hướng (hai mắt nhìn hai hướng khác nhau), hoặc tưởng trẻ nhìn hướng này nhưng hóa ra trẻ đang nhìn về hướng khác.
- Lòng đen của một hoặc cả hai mắt lệch hẳn về phía mũi.
Khi phát hiện con bị lác trong, bố mẹ hãy đưa con đến cơ sở y tế để được thăm khám, tuyệt đối không tự điều trị bằng các bài thuốc tại nhà nếu chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
3. Nguyên nhân gây lác trong ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân gây ra lác trong.
- Nguyên nhân bẩm sinh: trẻ sinh ra đã thấy lé hoặc phát hiện trong khoảng 6 tháng tuổi. Nếu trong gia đình có người bị lác thì nguy cơ trẻ sinh ra bị lác cao hơn.
- Do tật khúc xạ: cận thị, viễn thị, loạn thị…Theo đó, lác trong do viễn thị: là do sự phối hợp điều tiết quy tụ không được bình thường, thường xẩy ra ở những người viễn thị trung bình và viễn thị cao. Ngược lại ở những người cận thị khả năng quy tụ kém dẫn đến lác ngoài.
- Trẻ sinh ra mắc một số bệnh bẩm sinh: lệch khúc xạ, đục thuỷ tinh thể, ung thư võng mạc, Toxo võng mạc bẩm sinh…hoặc các hội chứng ảnh hưởng tới thần kính và trí tuệ trẻ như: bãi não, hội chứng Down… có nguy cơ bị lác trong.
- Trẻ sinh non, thiếu tháng
- Lác mắt do chấn thương đến mắt trong quá trình sống
4. Hậu quả của lác trong
Lác mắt nói chung hay lác trong nói riêng gây ảnh hưởng tới thị lực của trẻ. Ở độ tuổi mắt đang phát triển và dần hoàn thiện các cơ quan thị giác, lác trong không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nhược thị. Mất khả năng nhận thức chiều sâu (thị giác 2 mắt) – khả năng canh khoảng cách kém giữa 2 vật; dễ bước hụt chân cầu thang. Hai mắt của người bị lác sẽ không thể phối hợp nhịp nhàng để cảm nhận một hình ảnh, sự vật đầy đủ, tinh tế.
Lác trong gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như trở thành một trở ngại lớn đối với việc giao tiếp hàng ngày, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc, học tập.
Một số biến chứng, tác hại khác mà lác mắt có thể gây ra như: Hạn chế liếc mắt, rung giật nhãn cầu, lệch đầu vẹo cổ...
5. Trẻ bị lác mắt trong có chữa được không?
Mắt bị lác trong ở trẻ em có thể trị được hiệu quả nếu phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp phù hợp. Hiện nay, thống kê cho thấy các ca trị lác cho trẻ dưới 3 tuổi có tỷ lệ thành công tới 92%, còn trẻ từ 6 đến 8 tuổi chỉ còn 62%. Nếu để lâu, lác mắt sẽ biến chứng thành tật, khả năng hồi phục càng khó.
Tuy nhiên, kết quả đạt được còn phụ thuộc vào từng trường hợp bệnh cụ thể, phân loại lác trong mà trẻ gặp phải cũng như thời gian mắc bệnh đã kéo dài được bao lâu.
6. Điều trị lác mắt trong
Điều trị lác mắt là việc sử dụng các biện pháp để làm cho hai mắt nhìn thẳng và phục hồi thị lực ở cả hai mắt, tùy từng tình trạng bệnh mắt lác nhẹ hay nặng để bác sĩ có phương pháp điều trị khác nhau.
Quá trình điều trị lác mắt thường chia ra làm 3 giai đoạn: Điều trị bằng chỉnh kính, điều trị nhược thị và phẫu thuật lác mắt
- Dùng kính thuốc: Thường được chỉ định cho trẻ bị lác trong do điều tiết đi kèm với các tật khúc xạ khác ở mắt. Kính giúp trẻ hỗ trợ thị lực sáng rõ, điều chỉnh hợp thị tạm thời cho hai mắt. Kính mắt có thể giúp loại bỏ yếu tố điều tiết của các tật khúc xạ trước khi bác sĩ chỉ định phẫu thuật lác.
- Điều trị nhược thị bằng che mắt: Bác sĩ sẽ sử dụng miếng che mắt, kính chuyên dụng hoặc thuốc nhỏ mắt Atropin chuyên dụng để làm suy giảm thị lực tạm thời, có chủ đích cho bên mắt tốt, đánh lừa não bộ, buộc mắt bệnh hoạt động, điều tiết.
- Phẫu thuật lác: Được chỉ định cho các trường hợp bị lác trong bẩm sinh, lác nặng gây tổn hại chức năng thị giác hai mắt. Việc điều chỉnh trục nhãn cầu ở trẻ bị lác bẩm sinh nên được tiến hành trước 24 tháng tuổi giúp mang lại hiệu quả tốt. Phẫu thuật lác trong, bác sĩ thường lùi hai cơ trực trong ở hai mắt, nếu độ lé lớn có thể rút thêm cơ trực ngoài.
Mắt bị lác trong cần được chẩn đoán và chỉ định can thiệp y khoa bởi bác sĩ nhãn khoa, chuyên môn cao. Ngay khi phát hiện những dấu hiệu trẻ bị lác trong, cha mẹ hãy đưa ngay đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.